Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã và đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng. Đến thời điểm hiện tại, Dự án Luật đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 10 năm 2022.
Để hoàn thiện Dự án Luật, Bộ Công Thương đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên, đặc biệt là kinh nghiệm quốc tế đối với một số nội dung đang được quy định trong Dự thảo Luật.
Quản lý thông tin cá nhân phải công khai, minh bạch
Thông tin tại Hội thảo “Trao đổi về một số vấn đề trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) – Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam” được tổ chức mới đây, ông Cao Xuân Quảng – Trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, về việc “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng” trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được quy định cụ thể trong các Điều 3, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 23 và 25.
Theo đó, thông tin của người tiêu dùng bao gồm: Thông tin cá nhân của người tiêu dùng; thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của người tiêu dùng và các thông tin khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh.
Để hoàn thiện Dự án Luật, Bộ Công Thương đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên, đặc biệt là kinh nghiệm quốc tế đối với một số nội dung đang được quy định trong Dự thảo Luật |
Dự thảo Luật quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ thông tin của người tiêu dùng phải xây dựng chính sách bảo vệ thông tin với các nội dung: Mục đích thu thập thông tin; Phạm vi sử dụng thông tin; Thời hạn lưu trữ thông tin; Biện pháp bảo vệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng.
“Khi sử dụng thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý” – ông Cao Xuân Quảng cho hay.
Chia sẻ về pháp luật bảo vệ thông tin người tiêu dùng (quyền riêng tư) tại Úc, bà Caroline Serreno – Chuyên gia đến từ Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) cho biết, bảo vệ thông tin người tiêu dùng ở Úc được quy định và điều chỉnh bởi Đạo luật về quyền riêng tư năm 1988. Nội dung của Đạo luật này quy định về việc thu thập, sử dụng, lưu trữ, tiết lộ thông tin và bảo vệ quyền thông tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm thực thi, Đạo luật này đang được Chính phủ Úc rà soát, xem xét sửa đổi nhằm đảm bảo hơn nữa quyền riêng tư của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, kinh tế số.
“Úc có đến 13 nguyên tắc bảo mật thông tin và các nguyên tắc này cũng có nhiều điểm tương đồng với các điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng của Việt Nam. Cụ thể việc quản lý thông tin cá nhân phải công khai và minh bạch, phải được thực hiện một cách hợp lý, thủ tục, hệ thống phải đảm bảo, tuân thủ các nguyên tắc bảo mật” – bà Caroline Serreno cho hay.
Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp phải thông báo về việc thu nhập thông tin cá nhân cho người tiêu dùng; đồng thời, phải đảm bảo tính bảo mật của thông tin cá nhân người tiêu dùng mà các tổ chức, doanh nghiệp đó nắm giữ.
Chuyên gia của ACCC cũng đưa ra những dẫn chứng về các vụ việc cụ thể mà cơ quan này điều tra liên quan đến việc xâm phạm thông tin của người tiêu dùng. Cụ thể, năm 2018, ACCC cáo buộc Google lừa dối người dùng về cách thu thập dữ liệu vị trí trên thiết bị Android. Đối với vụ kiện này, ACCC cáo buộc trong năm 2017 và 2018, Google không thông báo cho người dùng cần vô hiệu hóa cài đặt lịch sử vị trí trong Android, cũng như cài đặt hoạt động của ứng dụng và web để ngăn Google lưu trữ dữ liệu vị trí.
Đại diện ACCC cho biết, họ đã có tới 5 cuộc điều tra, xem xét hành vi của Google; đồng thời phải mất đến 3 năm từ thời điểm bắt đầu điều tra đến tiến hành tố tụng và điều trần pháp lý trước Toà án Liên bang Úc.
Kết quả, Google đã thừa nhận họ có thể thu thập và lưu trữ dữ liệu vị trí của người dùng thiết bị Android ngay cả khi lịch sử vị trí bị tắt. “Thẩm phán nhận thấy rằng, Google đã làm trái các quy định của Luật Người tiêu dùng Úc và hình phạt 60 triệu USD đã được quyết định đối với Google” – bà Caroline Serreno thông tin.
Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số là yêu cầu cấp thiết
Với nội dung “Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số” bà Lô Phương Thảo – Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) thông tin, trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số được quy định tại Điều 38, 39, 40.
Theo đó, Dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng, phải cung cấp chính xác và đẩy đủ cho người tiêu dùng những thông tin: Tên, địa chỉ, số điện thoại của đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có).
Ngoài ra, phải cung cấp thông tin giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Chi phí giao hàng (nếu có); Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng, cung cấp dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả hàng; Thời gian có hiệu lực của đề nghị giao dịch.
“Dự thảo Luật quy định, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa phải thông tin cụ thể về các khoản phí, chi phí thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh cho người tiêu dùng” – bà Lô Phương Thảo nhấn mạnh.
Theo đại diện từ Vụ Pháp chế, các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu trong các giao dịch trên không gian mạnh cũng được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật.
Chuyên gia đến từ ACCC chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ người tiêu dùng tại Úc |
Chia sẻ về chủ đề này tại Úc, bà Tuyen Chan – Chuyên gia ACCC cho biết, cũng giống như Việt Nam, mua sắm trực tuyến tại Úc đang có sự gia tăng mạnh mẽ, giai đoạn 2020-2021 doanh thu của loại hình mua sắm này đạt 52 tỷ USD, tăng 31% so với giai đoạn 2019-2020.
Không chỉ tăng trưởng về doanh thu, các mô hình mua sắm trực tuyến tại Úc cũng rất phát triển với các nền tảng lớn như eBay, Gumtree, Amazon…
Theo chuyên gia của ACCC, đi kèm với những tiện ích của mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng tại Úc cũng gặp phải nhiều vấn đề phát sinh khi sử dụng dịch vụ này. Như việc khó khăn khi xác định người cần liên hệ nếu có vấn đề với hàng hóa hoặc dịch vụ; mua hàng dựa trên đánh giá sai lệch hoặc giả mạo; lừa đảo liên quan đến sản phẩm hoặc người bán; hay việc thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp… Chính vì vậy, việc bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số là vấn đề được quan tâm tại Úc.
Đặc biệt, với việc nghiên cứu về “mô hình tối” – một thuật ngữ dành riêng cho hình thức lừa đảo trong mua bán trực tuyến tại Úc đã chỉ ra các tính năng và chức năng thiết kế được tích hợp trong giao diện người dùng của các trang web và ứng dụng nhằm chỉ để tác động đến hành vi của người tiêu dùng và thường không vì lợi ích của người tiêu dùng.
“Qua nghiên cứu, ACCC đã phát hiện ra rằng có khoảng 10 “mô hình tối” thường xuất hiện trên các website dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng như: Chi phí ẩn; quảng cáo nguy trang; câu hỏi mẹo; tạo dấu hiệu khan hiếm; thông báo hoạt động của người tiêu dùng khác; tính liên tục bắt buộc đối với người tiêu dùng; đưa thông tin thứ bậc sai; chuyển hướng sự lựa chọn; thu thập dữ liệu người tiêu dùng…” – bà Tuyen Tran chia sẻ.
Để giúp người tiêu dùng Úc tránh bị thiệt hại bởi những “mô hình tối” thì ACCC đã tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc phân tích nguy hại từ các mô hình tối đến với người tiêu dùng, từ đó giám sát các mô hình tối này.
Chuyên gia của ACCC cũng đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong việc đặt ra các yêu cầu, trách nhiệm cao hơn đối với các nền tảng số để từ đó có thể bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Cụ thể, cần đưa ra các quy định về cấm mậu dịch không công bằng; Tăng cường rà soát và xử lý các điều khoảnkhông công bằng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng hoặc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi giao dịch trên các nền tảng trực tuyến, nền tảng số, theo đó bắt buộc các nền tảng này phải tuân thủ các quy tắc cần thiết khi thu thập, sử dụng, chia sẻ thông tin, giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng.
“Với những kinh nghiệm từ thực tế và khuyến cáo nêu trên, tôi mong rằng Việt Nam sẽ tạo lập được môi trường mua bán hàng hoá trực tuyến mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng” – chuyên gia Tuyen Tran nói.
- Hotline: 0985678530
- Email: contact@smartcheck.vn
- Website: smartcheck.com.vn
Nguồn: Congthuong.vn