Sức mua online của người Việt, không giảm dù Covid-19 đã qua và lạm phát tăng, đồng thời còn trên đà thành thị trường lớn thứ 2 toàn khu vực Đông Nam Á, theo CEO Lazada.
Sóng gió đang nổi lên trên nền kinh tế toàn cầu và người tiêu dùng Việt cũng chịu những áp lực chi tiêu nhất định. Cùng với đó, sau thời gian bùng nổ nhờ tăng tốc chuyển đổi số – nhất là trong hai năm Covid – có vài lo ngại rằng thị trường thương mại điện tử sẽ mất nhiệt.
Tuy nhiên, với góc nhìn của Tổng giám đốc Tập đoàn Lazada James Dong, tình hình lại khác. “Nói về tương lai, ngay cả sau đại dịch, chúng tôi không thấy xu hướng giảm tại Việt Nam, do nền kinh tế vẫn đang phát triển rất tốt”, ông nói nhân dịp nền tảng này tổ chức một diễn đàn ở Singapore hôm 1/9.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek, Bain & Company, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến lên 39 tỷ USD vào 2025. Thời điểm đó, Việt Nam được dự báo vượt Thái Lan thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia. Riêng với 6 thị trường mà Lazada có mặt, điều này cũng tương tự.
Nhiều đơn vị nghiên cứu khác gần đây cũng công bố các báo cáo phần nào cho thấy người Việt vẫn tất bật mua sắm online, dù không còn chôn chân ở nhà vì Covid-19 hay lạm phát có thể ăn mòn túi tiền.
Một khảo sát của Rakuten Insight Global, phỏng vấn 134.000 người tại 13 thị trường công bố tháng 7, cho thấy có đến 47% người mua sắm online Việt Nam nói rằng đã mua hàng nhiều hơn trong 3 tháng gần đây. Cùng với đó, 32% mua sắm mức độ tương đương năm ngoái…
Mới đây, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra đại dịch. Tính chung 8 tháng, chỉ số này tăng 19,3% so với cùng kỳ 2021, nếu loại trừ yếu tố giá cũng đã tăng 15,1%.
“Thật ra, người dùng sẽ luôn có nhu cầu mua sắm”, ông Dong nói. Trong bối cảnh hiện tại, họ sẽ ưa chuộng những sản phẩm có giá mềm hơn, đóng gói trong bao bì nhỏ hơn để tiết kiệm, hoặc mua combo (theo gói) để được ưu tiên giảm giá.
Do đó, sức mua online nhìn chung không giảm, chỉ là có thay đổi trong cơ cấu giỏ hàng. Ngoài ra, việc chuyển sang mua trực tuyến thời đại dịch không là nhất thời mà phần nào trở thành thói quen dài hạn. “Những hành vi tiêu dùng mới có lợi cho thương mại điện tử tăng tốc ở thị trường Việt Nam”, ông Dong đánh giá.
Một lợi thế khác của các sàn thương mại điện tử là bắt đầu hái quả ngọt sau mấy thập niên “đốt tiền” để xây dựng thói quen cho người dùng. Báo cáo Lazada Sponsored Solutions (LSS) công bố tại Diễn đàn Tương lai Thương hiệu LazMall (BFF) 2022 ở Singapore cho hay, 57% khách hàng có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên công cụ tìm kiếm của sàn thương mại điện tử.
“Các sàn như chúng tôi đã vượt qua các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng”, ông James Dong tuyên bố.
Nội tại “bộ tứ” nền tảng mua sắm đa ngành Shopee, Lazada, Tiki, Sendo cũng có sự cạnh tranh thứ hạng quyết liệt. Sau một giai đoạn hụt hơi so với các đối thủ nội địa tại Việt Nam trước Covid-19, Lazada dưới thời lãnh đạo của ông James Dong – người từng có kinh nghiệm chinh chiến với vai trò CEO Lazada Thái Lan – trở lại đường đua.
Đầu năm 2021, Lazada vượt qua Tiki trở thành “á vương” về lượng người dùng truy cập hàng tháng qua website (chỉ đứng sau Shopee). Họ giữ vị trí đó cho đến nay, theo “Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam” của iPrice.
Bên ngoài “bộ tứ”, một ngôi sao đang lên mới là TikTok. Cuối tháng 4, ứng dụng này chính thức tung giải pháp thương mại điện tử TikTok Shop tại thị trường Việt Nam sau khi thu thập được lượng người dùng đông đảo. Nhà bán hàng có thể mở gian hàng. Ngoài ra, không khó để bắt gặp những tài khoản “treo” livestream thâu đêm suốt sáng để rao hàng giảm giá trên TikTok thời gian gần đây.
Ông James Dong nhìn nhận, các công ty mạng xã hội sớm muộn gì cũng sẽ lấn sân sang thương mại điện tử. Giai đoạn đầu, họ tập trung vào những ngành hàng dễ thu hút người dùng như thời trang, mỹ phẩm.
“Nhưng một nền tảng thương mại điện tử được xây dựng và cấu trúc theo hàng ngang như chúng tôi sẽ có lợi thế”, ông nói. Lợi thế đó là khả năng đa ngành hàng, nhiều mức giá, nhiều dịch vụ. “Một nền tảng thương mại điện tử đầy đủ sẽ hấp dẫn người dùng hơn”, ông tự tin.
Xác nhận dòng vốn toàn cầu đầu tư vào ngành thương mại điện tử đang có xu hướng giảm nhẹ, nhưng người đứng đầu Tập đoàn Lazada khẳng định họ không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, với thị trường Việt Nam họ còn tăng rót tiền.
“Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có một số hoạt động đầu tư, tập trung vào nâng cao năng lực giao vận và hệ thống kho bãi”, ông nói. Cùng với đó, công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự để mở rộng văn phòng tại Hà Nội.
Viễn Thông
- Hotline: 0985678530
- Email: contact@smartcheck.vn
- Website: smartcheck.com.vn
Nguồn: Vnexpres.net